linh-vat-trong-van-hoa-tam-linh

Linh vật trong văn hóa tâm linh

Đỗ Thảo 09/05/2019

Trong thời kỳ dựng lên nước Văn Lang - Âu Lạc cư dân Việt cổ đã dựng lên huyền thoại về tổ tiên con Lạc cháu Rồng trong văn hóa tâm linh Việt và lấy một con vật trong truyền thuyết làm linh vật mà người Việt chúng ta làm chỗ dựa trong tâm linh. Long , Ly,  Quy,  Phượng là sản phẩm được liên tưởng  đến con người, những linh vật này là tư duy phản ánh đời sống văn hóa cũng như sản xuất của người dân. Linh vật đem đến ước vọng của người dân và thường được gắn liền với biếu tượng của sức mạnh siêu nhiên, tổng hợp những tinh thần giá trị của con người trên những linh vật đó .Từ đó, linh vật mang đầy đủ sức mạnh tổng hòa, tổng hợp sức mạnh của nhiều con vật hội tụ lại để tạo nên sự tối thượng đứng đầu các con vật. 

Tứ linh - 4 Linh vật hội tụ nhiều sức mạnh

Tứ linh có nghĩa là 4 loài linh vật, Long, Ly, Quy, Phượng có mặt trong văn hóa của nhiều nước phương Đông, trong đó có Việt Nam. Tứ linh mang bên mình bốn nguyên tố tạo thành trời đất theo quan niệm của người xưa (lửa, nước, đất và gió). Ngày xưa, vua chúa đã dựa vào các nguyên tố hội tụ này để chọn đất lành làm kinh đô. Để hiểu rõ, 4 linh vật này gắn bó với người dân Việt Nam như thế nào xin mời các bạn cùng chúng tôi tìm hiểu nguồn gốc, ý nghĩa đặc biệt của các linh vật.

Trước hết, nói về con vật gắn với thủ đô Hà Nội, “Long” - Rồng  đã xuất hiện trong truyền thuyết về thời kỳ xây dựng nước Văn Lang - Âu Lạc, đồng thời là biểu tượng linh thiêng gắn với Tổ tiên, cuội nguồn của dân tộc “Con Rồng, cháu Tiên”.

Tuy nhiên, người nước phương đông trong đó có Trung Hoa và Việt Nam đều nghĩ rằng con rồng tổ tiên của mình, song điều này không phải vì theo các nhà nghiên cứu dân tộc rằng con rồng không phải thuộc về dân tộc nào, Rồng chỉ là sản phẩm chung của nhân loại. trong thời kỳ An Dương Vương, hình tượng Rồng vẫn chưa được xuất hiện, lúc đó chỉ xuất hiện hình tượng con rùa, gà sống trắng. Và đến thế kỷ 5 và 6, hình tượng Rồng mới xuất hiện trong huyền thoại, cụ thể là tích sống mới nhất là có thần nhân cưỡi rồng, từ trên trời rút một móng rộng tặng cho Triệu Quang Phục, đó là câu chuyện sớm nhất về Rồng. Nhưng cũng có bằng chứng Rồng được xuất phát từ đạo Phật, huyền thoại cư dân phía nam dãy hy mã lạp sơn kể rằng khi Đức Phật giảng đạo cho những vị long vương ở biển thì giác ngộ thoát cái ác, nguyện biến thành thuyền đi khắp nơi hoàng dương đạo pháp. Cụ thể tại các ngôi chùa ở nơi tiểu thừa ở phía nam, hay có các con rắn naga ngóc đầu lên ở đầu đao, người Khơ Me cho biết những con vật này đã bảo vệ Phật tới để giảng đạo.

Việt Nam từ trước đến nay là một nước nông nghiệp, vì thế khi xuất hiện hình tượng Rồng, linh vật này được gắn liền với nguồn nước, và khi phát triển nông nghiệp đến đâu  thì phát triển vai trò con rồng bấy nhiêu. Trong thời đại phong kiến Việt Nam, nhà nước không được hình thành từ việc đi lên nắm chính quyền của kinh tế cá nhân, mà đều dựng lên bởi dương cao ngọn cờ độc lập dân tộc chống ngoại xâm, chống các cứ phá hoại sản xuất. Việc chính quyền muốn tập hợp tinh thần nhân dân phải dựa vào uy lực dựa trên nền tảng tinh thần ở linh vật, cụ thể là con Rồng. Tuy nhiên, Rồng chưa có vai trò chủ đạo từ đầu thời đại phong kiến mà chỉ hình thành dần dần từ linh vật hỗ trợ cho vua (Vua Đinh Tiên Hoàng lúc nhỏ bị chú đuổi giết và nhẩy xuống sông, trong lúc đó có con Rồng bay từ mặt nước đỡ vua qua sông), tiếp đến là hình tượng con rồng vàng đang che phủ lên người nhà vua Lê Hoàn đang ngủ thì đây mới là thời điểm hình tượng Rồng gắn liền với vua.

Rồng bắt đầu xuất hiện trong kiến trúc người Việt từ thời Lý, và chỉ di tích liên quan tới vua mới làm rồng, ví dụ cung điện Thăng Long, chùa Phật Tích, chùa Long Đoạn... Trong thời kỳ này, cũng đã xuất hiện sự tranh chấp hình tượng Rồng rằng con vật này cũng xuất hiện tại nhiều địa điểm quán xá khác nhau, sự tranh chấp này càng thể hiện rõ rệt hơn vào thời Trần, Rồng đã xuất hiện tại chùa làng, những di tích làng xã. Để phân chia sự tranh chấp hình tượng Rồng, vào thời Lê sơ, đã phân hóa hình tượng cụ thể khác nhau như Rồng 5 móng gắn với vua, Rồng 4 móng trở xuống không phải rồng của vua. Rồng của vua nằm trong vòng tròn và xoè 5 móng rồi chụm lại, có ý nghĩa rằng mỗi móng nắm chặt một phương, vua có chức năng cai trị muôn phương của thế gian.

Nói về hình tượng con Phượng, Phượng được coi loài vật tượng trưng vua các loài chim, mang nhiều đức tính, phẩm hạnh cao đẹp. Trong tạo hình người Việt từ thời vua Hùng, đã xuất hiện Phượng và thường cái tên quen thuộc là chim Lạc (bắt nguồn từ con hạc và cò). Con này bay trên cao tượng trưng cho tầm trời, dưới bụng nó có chim nước, rõ ràng hợp thể âm dương đối đãi. Người Việt Nam không quan niệm đối lượng, có âm mới xác nhận dương, nếu có khác nhau thì phải ôm lấy nhau rồi mới phát sinh, phát triển được, hòa quện đồng nhất sự tồn tại.

Phượng được hình thành và gắn rất nhiều yếu tố tốt đẹp những loài có cánh, mỏ diều hâu là biểu tượng con chim bay cao, tóc trĩ bộc lộ vẻ đẹp của Phượng, mắt Phượng ví như mặt trời mặt trăng, lưng Phượng có thể cõng bầu trời, lông là cây cỏ, chân tượng trưng cho đất. Con phượng đã hội tụ tổng hợp biết bao nhiêu sức mạnh, biểu tượng thiêng liêng những loại có cánh để hình thành ra. Con phượng có khả năng chuyển động bay cõng vũ trụ, và sở hữu một tư cách thánh nhân của những người tài. Hình tượng Phượng ngậm giải lụa buộc hai cuốn sách, dậy dỗ chúng sinh, trí tuệ là cái đứng đầu, có trí tuệ đẩy xã hội lên. Lấy trí tuệ diệt ngu tối, diệt cái mầm ác. Khi con người muốn cầu nguyện cho bản thân, khi đứng trước tượng Phượng thì tâm hồn con người phải gột sạch những ý nghĩ xấu xa nếu không sẽ bị trừng trị lại.

Con Lân - Kỳ lân hay còn gọi là lân, li, là một trong 4 linh vật của tứ linh theo tín ngưỡng dân gian Á Đông. Lân có đầu nửa rồng nửa thú, đôi khi chỉ có một sừng, do không húc ai bao giờ nên sừng này là hiện thân của từ tâm. Phần nhiều lân có sừng nai, tai chó, trán lạc đà, mắt quỷ, mũi sư tử, miệng rộng, thân ngựa, chân hươu, đuôi bò. Thực ra trong tạo hình của người Việt chúng không tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc này.

Lân Trung Hoa thường đứng ở các nơi công sở, lăng mộ, biểu hiện quyền uy sức mạnh cơ bắp, có sức mạnh đe dọa, khi đến nơi đó, tự nhiên tâm hồn bị teo đi quy phục sức mạnh trước chính quyền. Nhưng tại Việt Nam, người dân có tính dân chủ làng xã cao hơn vì thế tạo hình bớt đi vẻ đe dọa và đưa sự phản ánh tâm hồn dân tộc vào Lân. Lân trong nhận thức con người Việt Nam đứng ở đầu cột cổng di tích, đứng trên mái nhà, các câu đối, nó ở trên cao nhìn xuống, nó là biểu tượng sức mạnh tầng trời, biểu hiện sức mạnh thánh nhân, biểu tượng trí tuệ, sự trong sáng để kiểm soát tâm hồn kẻ hành hương. Rất nhiều con Lân mang tính chất hiền hòa, chứa đựng biểu tượng sấm chớp, trên thân lân có bông cúc hay cụm vân xoắn tỏa ra, đó là biểu tượng nguồn phát sáng của mặt trời.

Rùa - linh vật tứ linh duy nhất có thực

Con vật cuối cùng của tứ linh là Rùa. Khác với ba tứ linh kia, linh vật Rùa được lấy nguyên vẹn hình tượng từ ngoài đời và chỉ kết hợp với những yếu tố sức mạnh thiên nhiên mà con người tạo nên. Về mặt sinh học, rùa là loài bò sát lưỡng cư có tuổi thọ cao và thân hình vững chắc. Nó có thể nhịn ăn uống mà vẫn sống trong một thời gian dài. Rùa không ăn nhiều, nhịn đói tốt nên được coi là một con vật thanh cao, thoát tục. Trên bàn thờ ở các đền chùa, miếu mạo, chúng ta thường thấy rùa đội hạc, rùa đi với hạc trong bộ đỉnh thơm ngát và thanh tịnh.

Rùa là con vật bên dưới, rùa thường đội hạc, nghĩa là đội tầng trời tạo nên thế âm dương đối đãi, nó mang gợi ý của con người tới thần linh mong muốn vụ mùa bội thu. Nhà sàn được mang hình dáng con rùa, phía trên là bầu trời, phía giữa là nơi người ở, và phía dưới mặt đất nơi ma ở. Ngôi nhà sàn được hình dung như là một sự dòng chảy của trời đất, khi sống tại nơi đây là sự giao thoa giữa trời và đất. Rùa còn được cư dân sống vùng ngập lụt được gán cho là "thủy quái". Vua Lê Lợi trả kiếm có nghĩa trả với nước, chém xuống nước để trừ thủy quái, nhưng phải sống chung với lũ lụt thì phải trả kiếm cho rùa trợ giúp.

Rùa Đá  là tượng trưng cho sự trường tồn và bất diệt. Hình ảnh rùa đội bia đá, trên bia đá ghi lại sử sách của dân tộc Việt Nam chứng tỏ rùa là loài vật chuyển tải thông tin và văn hóa. Trong một số ngôi chùa thời Lý - Trần, rùa được chạm thành tường bằng đá làm bệ đội bia. Dáng rùa đầu to, mập, vươn ra khỏi mai, mõm thuôn nhọn, mắt nhỏ, bốn chân khép sát vào thân mai. Việc chạm khắc rùa cõng tấm bia ghi tên tiến sỹ đỗ đạt được đặt trên lưng rùa khẳng định những công trạng thi cử của các hiền nhân được lưu giữ bất diệt theo thời gian.

Bình luận
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi cho chúng tôi bình luận đầu tiên của bạn.
VIẾT BÌNH LUẬN